Nữ tác giả Jennifer Still (Brooklyn, New York, Mỹ) chia sẻ
trên Business Insider sáu bí quyết học ngoại ngữ mà ai cũng có thể áp dụng.
Tìm hiểu về âm nhạc, phim ảnh của đất nước nói thứ tiếng bạn đang muốn học là cách để tạo hứng thú chinh phục ngôn ngữ.
Tôi có niềm đam mê học ngôn ngữ từ ngày còn bé. Ngôn ngữ đầu
tiên tôi tự học là tiếng Pháp. Khi đó, tôi mới 12 tuổi và vô cùng yêu thích âm
thanh du dương của thứ tiếng này, nhưng đó không phải là môn học ở trường nên
tôi đã tự tìm hiểu.
Hơn hai thập niên trôi qua, giờ đây tôi có thể nói chuyện
theo phong cách của người Paris bất cứ khi nào ghé thăm kinh đô ánh sáng mà không
cảm thấy quá khó khăn.
Ngoài việc dành nhiều năm học tiếng Tây Ban Nha ở trường
trung học và nơi làm việc, tôi cũng đã nghiên cứu tiếng Đức, Italy, Hàn và thậm
chí cả tiếng Nga. Dù không nói lưu loát toàn bộ ngôn ngữ này, tôi vẫn có vốn liếng
từ vựng nhất định nhờ thường xuyên thực hiện sáu điều sau.
Nghe nhạc và xem TV bằng
ngôn ngữ muốn học
![]() |
Bắt đầu với những bài hát, bộ phim bằng ngôn ngữ bạn muốn học ( Ảnh nguồn: Shutterstock) |
Internet là nguồn học liệu dồi dào nhất và đa số hoàn toàn
miễn phí. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm âm nhạc và phim ảnh từ mọi nơi trên thế
giới chỉ với một cú nhấp chuột, do đó hãy tận dụng lợi thế này một cách tối đa.
Internet sẽ giúp bạn biết được thể loại nhạc, chương trình truyền hình và những
bộ phim nổi tiếng ở quốc gia nói thứ tiếng mà bạn đang muốn học.
Chẳng hạn, nếu đang tìm hiểu tiếng Pháp, tại sao bạn không
vào Spotify để nghe nhạc của Mylène Farmer, Serge Gainsbourg hay Christine and
the Queens? Netflix có rất nhiều bộ phim Pháp như "Le Chef" và
"Dans la maison" mà người học tiếng Pháp nên tiếp cận.
Đọc sách bằng ngôn ngữ đang học
Phương pháp này không dành cho người mới bắt đầu mà nên áp dụng
khi bạn đã nắm được vốn từ vựng nhất định, tức ở trình độ trung cấp. Bạn hãy
tìm những cuốn sách nổi tiếng của các tác giả người bản xứ, hoặc bản dịch các
cuốn sách phổ biến trên thế giới bằng ngôn ngữ bạn muốn học (việc biết ý chính
của câu chuyện sẽ giúp ích rất nhiều). Trong khi đọc sách, bạn nên viết ra những
từ không biết để tra cứu sau. Kỹ năng của bạn sẽ cải thiện đáng kể sau một thời
gian đọc sách theo cách này.
Mang theo từ điển để tham khảo thường xuyên
Bạn sẽ cần tìm kiếm thông tin về từ mới trong cuốn sách đang
đọc, và cuốn từ điển là cách dễ dàng nhất để làm điều này. Tôi đang nói đến cuốn
từ điển bằng giấy, cầm nặng tay. Chúng có sẵn trên các trang thương mại điện tử
như Amazon, không tốn quá nhiều tiền và sẽ là một trong những công cụ hữu ích
nhất của bạn trên hành trình học ngôn ngữ mới.
Tải ứng dụng dịch thuật về điện thoại cũng là cách hay để sử
dụng khi không có Internet. Google Translate có lẽ là phần mềm phổ biến nhất và
cũng rất dễ sử dụng. Mẹo hữu ích là bạn có thể sử dụng camera trong ứng dụng
này để dịch trực tiếp văn bản trên menu hoặc trên trang sách.
Học thành ngữ, cách diễn đạt của người bản xứ
Một lần nữa, TV và các bộ phim là nơi bạn có thể dễ dàng bắt
gặp và bắt chước cách nói của người bản xứ. Khi xem phim có phụ đề, bạn nên cầm
sẵn bút và viết một số cụm từ ra giấy để tra cứu hoặc ghi nhớ sau, trong khi vẫn
tiếp tục theo dõi nội dung.
Sử dụng flashcard
Ngoài việc tập nói, bạn nên dành thời gian viết ngôn ngữ
đang học ra giấy. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc viết từ mới giúp bạn ghi
nhớ lâu hơn việc chỉ nhìn thấy chúng ở đâu đó, chẳng hạn trên màn hình TV.
Flashcard (thẻ có viết thông tin ở hai mặt) không chỉ giúp ích cho việc học từ
vựng của ngoại ngữ mà còn được sử dụng khi học bất kỳ kiến thức nào khác.
Học bài qua Babbel và Duolingo
Các ứng dụng học ngôn ngữ không phải phương pháp chính của
tôi, nhưng chúng đóng vai trò bổ sung và tăng hiệu quả. Khi trình độ của bạn
cao hơn trước, những bài học được cung cấp trên các ứng dụng này có thể hơi dễ.
Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng ngay cả những người giỏi ngoại ngữ cũng thường
xuyên sử dụng từ vựng và ngữ pháp cơ bản. Do đó, dành vài phút mỗi ngày trên một
ứng dụng như Babbel hay Duolingo có thể giúp bạn làm chủ ngoại ngữ.
>> Nguồn: vnexpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét