Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương báo cáo Thủ tướng việc hoàn thiện quy trình tổ chức thi THPT quốc gia, khắc phục bất cập, không để tái diễn các sai phạm như trong kỳ thi 2018.
Hoàn thiện ngân hàng đề thi
Trước khi Phó thủ tướng có chỉ đạo bằng văn bản, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khi đề cập kỳ thi THPT quốc gia đã cho hay tới đây, kỳ thi sẽ không phục vụ 2 mục đích, mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông."Chúng tôi sẽ cải tiến theo hướng đây là kỳ thi THPT quốc gia, do đó nội dung, mức độ, yêu cầu đạt được phải gắn với THPT quốc gia, miễn là phải phản ánh thực chất, minh bạch, công khai. Theo đó, các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi là việc của các trường", Bộ trưởng GD&ĐT nói.
Sinh viên nhập học ĐH Kinh tế TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
Mới nhất, trong báo cáo giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề cử tri quan tâm, Bộ GD&ĐT cho biết để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia 2019, bên cạnh việc chỉ đạo rà soát và hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi; sửa đổi, bổ sung quy chế thi, quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, trường ĐH…Bộ này sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, bảo đảm tính phân hóa hợp lý để đánh giá học lực của học sinh.
Trường đại học chưa rõ phương án tuyển sinh
Như vậy, mục tiêu vừa công nhận tốt nghiệp THPT vừa dùng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh đại học, cao đẳng đã không còn. Vấn đề đặt ra là nếu chỉ để công nhận tốt nghiệp THPT, các trường đại học sẽ tuyển sinh như thế nào? Liệu có nên tiếp tục dùng kết quả thi THPT để xét tuyển hay mỗi trường tự tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng cho trường mình?Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, nhìn nhận kết quả thi THPT quốc gia chỉ là một trong các căn cứ được sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ được quy định trong Luật Giáo dục Đại học, vì thế mức độ sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia phụ thuộc nhu cầu của từng trường.
Thay đổi cơ bản này của kỳ thi THPT quốc gia đã khiến nhiều trường lúng túng trong việc tuyển sinh năm 2019. Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, trường sẽ cân nhắc khi lựa chọn phương án tuyển sinh. Hiện trường đang đứng đầu nhóm xét tuyển miền Bắc nên mọi quyết định của trường có tác động rất lớn.
"Nếu trường đứng riêng trong việc tuyển sinh sẽ khiến nhóm tan vỡ, bài toán lọc ảo cũng trở nên khó khăn với các trường. Chưa hết, việc các trường tuyển sinh riêng có thể dẫn đến hiện tượng luyện thi như trước đây", ông Điền dự đoán.
Hiện tại, ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn nghiêng về phương án dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, tuy nhiên, nếu kỳ thi này đi theo hướng quay trở lại trước đây, giao về cho các sở, tỷ lệ tốt nghiệp xấp xỉ tuyệt đối, xét theo tổ hợp 3 môn toàn 28-29 điểm thì trường sẽ có động thái sớm trong việc lựa chọn phương án mới. Trong tương lai dài hơn, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ bàn đến phương án tuyển sinh riêng.
Lãnh đạo các trường đại học lớn của Hà Nội như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Giao thông Vận tải cũng thừa nhận rất khó để đứng ra tuyển sinh riêng trên toàn quốc, cơ bản vẫn dựa chủ yếu vào điểm thi THPT quốc gia.
Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải, cho biết trường không đủ điều kiện để tổ chức tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, trường vẫn luôn sẵn sàng chuẩn bị cho một phương án phù hợp.
Ở hướng ngược lại, nhiều chuyên gia tuyển sinh lại lo lắng các trường tốp dưới có thể sẽ có quy định về đầu vào "dễ dãi" để tuyển sinh.
"Nếu kỳ thi chỉ phục vụ việc xét tuyển THPT thì kiếm điểm khá không phải là quá khó khăn. Nếu các trường ĐH chỉ xét tuyển qua học bạ hay lấy điểm đầu vào ở mức trung bình của kỳ thi THPT quốc gia thì chất lượng đầu vào sẽ thực sự đáng ngại", một chuyên gia nhận xét.
>> Nguồn: Zing News
0 nhận xét:
Đăng nhận xét